Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết bão đang theo hướng tây với tốc độ 20 km/h, đến 7h ngày 27/10 thì đến vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, duy trì cấp 11, giật cấp 14.
Sau đó bão chếch xuống nam với tốc độ 20 km/h, đến 7h ngày 28/7 khi áp sát ven bờ biển Trung Trung Bộ giảm còn cấp 9 (88 km/h), giật cấp 11. Lúc này bão bắt đầu quay ngược ra biển theo hướng đông với tốc độ 5-10 km/h và tiếp tục giảm cấp.
Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Trà Mi sáng 26/10. Ảnh: NCHMF
Đài Nhật Bản dự báo khi vào vùng biển ven bờ Trung Trung Bộ, bão vẫn giữ sức gió 108 km/h và giảm dần khi chuyển hướng tây tây nam, giảm còn 65 km/h khi sang hướng đông, quay ngược ra biển. Đài Hong Kong nhận định bão không vào đất liền, chỉ tới ven biển Đà Nẵng với sức gió 85 km/h rồi ngược ra biển.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, giải thích bão Trà Mi có hướng đi bất thường do chịu tác động của không khí lạnh đang tràn xuống và sự hình thành của một cơn bão ngoài khơi Philippines.
Có hai khả năng, một là bão sẽ đi gần bờ, chạm bờ rồi quay ngược ra biển. Hai là bão đi sâu hơn vào đất liền rồi quay ra biển. Cả hai khả năng đều sẽ khiến thời gian tác động trực tiếp của bão đến đất liền lâu hơn, kéo dài hơn một ngày (do quay đầu nên bão đi chậm), gây mưa đặc biệt lớn.
Bão sẽ bắt đầu gây mưa từ chiều tối nay đến ngày 28/10, khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi lượng phổ biến 300-500 mm, cục bộ có nơi trên 700 mm, cảnh báo mưa cục bộ cường suất lớn trong 3 giờ. Các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định và bắc Tây Nguyên mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Ảnh hưởng của bão, Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117 km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 5-7 m, vùng gần tâm bão 7-9 m. Từ đêm nay, vùng biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi (gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần từ cấp 6 lên 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 5-7 m.
Từ sáng 27/10, trên đất liền ven biển Quảng Bình - Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11. Ven biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam xuất hiện nước dâng do bão cao 0,4-0,6 m.
Hình ảnh bão Trà Mi nhìn từ vệ tinh. Ảnh: NCHMF
Ngày 24/10, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu các tỉnh ven biển Thanh Hóa - Phú Yên theo dõi diễn biến bão, thông báo cho tàu thuyền biết khu vực nguy hiểm, rà soát những nơi nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hôm qua cũng họp với các bộ ngành và địa phương để bàn phương án phòng chống bão Trà Mi.
Thừa Thiên Huế đã cho tàu thuyền vào khu neo đậu và không cho ra khơi từ 25/10; Quảng Nam cấm biển từ 10h ngày 25/10; Quảng Ngãi cấm từ 10h ngày 26/10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22h ngày 26/10. Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0h ngày 27/10.
Trà Mi hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi phía đông Philippines, ngày 22/10 mạnh lên thành bão, ngày 23/10 hoành hành ở Philippines làm ít nhất 66 người chết, 47.500 người phải sơ tán do mưa lớn, ngập lụt. Chiều 24/10, bão vào Biển Đông, mạnh cấp 9, trở thành cơn bão thứ sáu trên vùng biển này.
Gia Chính