Ca sởi từ các tỉnh nhập viện TP HCM tăng nhanh

16/12/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Ca sởi từ các tỉnh nhập viện TP HCM tăng nhanh

Ngày 29/10, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết trong khi số bệnh nhân sởi tại thành phố bắt đầu giảm thì số ca mắc từ các tỉnh xung quanh đến khám, điều trị tại 3 bệnh viện nhi đồng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tăng mạnh trong hai tuần qua. Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện TP HCM điều trị hơn 3.100 ca sởi, trong đó 58% đến từ các tỉnh. 4 trẻ đã tử vong trong đợt dịch này.

Tương tự, Viện Pasteur TP HCM cũng ghi nhận ca mắc sởi tại 19 tỉnh thành phía Nam đang tăng nhanh "chưa có điểm dừng", chủ yếu trẻ 1-10 tuổi, thậm chí xuất hiện ổ dịch ở người lớn trong nhà máy.

Theo bác sĩ Châu, ca mắc sởi của trẻ 1-10 tuổi sinh sống tại thành phố mắc giảm nhờ chiến dịch chủng ngừa sau khi UBND công bố dịch hồi cuối tháng 8, song các trường hợp trẻ nhỏ dưới 9 tháng mắc sởi đang có dấu hiệu tăng.

"Trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ, dẫn đến số ca mắc ở nhóm này tăng", bác sĩ phân tích. Đến nay, các bệnh viện ghi nhận 315 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh, chiếm 24%. Nhiều trẻ trong số này cần đến hỗ trợ hô hấp.

Trẻ nhỏ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương

Trước tình hình trên, Sở Y tế đã gửi văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vaccine sởi cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vaccine sởi đơn có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi này được xem như là mũi "sởi 0", sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng hai mũi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.

Ngành y tế kêu gọi các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi và người thân trong gia đình này cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ khi trẻ chưa đủ tuổi được tiêm chủng.

Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.

Lê Phương

Tin liên quan
Tin Nổi bật