Chiều 9/9 - hai ngày sau bão Yagi "càn quét" - nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp lớn ở Hải Phòng vẫn chưa thể hoạt động trở lại, chủ yếu do không có điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc bị đứt gãy. Không ít doanh nghiệp bị bão gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất.
Một góc nhà máy, hàng rào của Công ty TNHH LG Electronics nằm sát phía quốc lộ 10 bị đổ sập. Doanh nghiệp phải bố trí các nhóm nhân viên dọn dẹp, bảo vệ trông giữ quanh khu vực này. Tương tự, hàng loạt nhà xưởng, kho của các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đồ Sơn, Nam Đình Vũ cũng ngổn ngang mái tôn, cây đổ. Công nhân được huy động khắc phục, cất xếp hàng hóa đến nơi an toàn.
Một góc nhà máy, hàng rào của công ty LG Electronics bị bão đánh sập tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, ngày 9/9. Ảnh: Anh Tú
Theo thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, một số khu công nghiệp tại địa phương này bị ngập lụt, mái nhà xưởng của doanh nghiệp bị tốc; cổng, hệ thống camera, cây xanh... hư hại. Trong đó, tại khu công nghiệp Deep C, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như PHA Việt Nam, LS Metal, Pegatron Việt Nam, Global Meterial Handling, Adhes Việt Nam, IDP Đình Vũ và Suhil Việt Nam. Nhà xưởng của Công ty Environ Star và Vật liệu xây dựng Jinka (khu công nghiệp Đồ Sơn) bị ngập, hỏng máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết ngày 10/9, 95% doanh nghiệp có thể sản xuất trở lại để đảm bảo các đơn đặt hàng. "Phần lớn các doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, quay lại sản xuất", ông nói.
Sau khi dừng hoạt động hai ngày để đảm bảo an toàn, các cảng biển ở Hải Phòng cũng đã hoạt động trở lại từ 9/9. Trong đó, cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC - HICT) - cảng container lớn nhất miền Bắc bắt đầu giao nhận hàng, dịch vụ từ 14h và tiếp nhận tàu từ 16h30. Các cầu cảng tại đây vẫn được giám sát để đảm bảo an toàn khai thác.
Các tuyến đường xung quanh khu vực cảng Đình Vũ và Chùa Vẽ tấp nập xe đầu kéo ra vào để giao nhận hàng hóa. Theo ước tính sơ bộ của cơ quan quản lý, gần 100 tàu không tiếp cận được các cảng Hải Phòng vài ngày qua, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, chủ tàu, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hải.
Theo quản lý tại một doanh nghiệp FDI ở khu công nghiệp VSIP Thủy Nguyên, hôm nay, phần lớn công ty tại đây đã sản xuất trở lại. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thể ổn định hoàn toàn khi nhiều hạng mục, nhà xưởng "vừa làm, vừa sửa".
Ngoài khắc phục máy móc thiết bị, nhà xưởng, điện cho sản xuất bị gián đoạn do bão Yagi cũng khiến nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, đại diện Điện lực Hải Phòng, cho hay toàn bộ khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã được cấp điện trở lại từ chiều 9/9. "Hai khu công nghiệp cuối cùng là Đồ Sơn, chế xuất Hải Phòng 96 đã có điện từ đêm qua", ông nói.
Nhà xưởng của Công ty Jinka ở khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng bị hư hỏng nặng sau bão ngày 9/9. Ảnh: Lê Tân
Quảng Ninh - địa phương nơi tâm bão Yagi đi qua - đã cấp điện trở lại cho 30% khách hàng, trong đó khoảng 90% mỏ than. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngày 10/9 TP Hạ Long sẽ được khôi phục cấp điện. Vài ngày qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã huy động các đội xung kích từ các đơn vị ở địa phương khác để hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng nặng nề do bão tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương.
Các công ty than tại Quảng Ninh cũng nỗ lực, huy động tối đa nhân lực xử lý các vị trí trọng yếu, thiết bị để nhanh chóng ổn định sản xuất. Trước đó, bão làm khu vực mỏ Vành Danh bị mất điện, thông tin liên lạc, tuyến đường từ Uông bí vào mỏ bị đất đá sạt lở ngăn cách. Nhiều nhà xưởng, văn phòng tại công trường của các công ty than bị tốc mái, đổ hơn 30 cột điện của các đơn vị khai thác than lộ thiên. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã yêu cầu các đơn vị hầm lò, lộ thiên duy trì hệ thống máy phát điện, máy bơm để bơm thoát nước, thông gió cho các mỏ, sẵn sàng bắt tay vào sản xuất ngay khi có điện.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch cần nhiều thời gian hơn để khôi phục hoạt động. Khoảng 90% cây xanh trong khuôn viên của Sun World Hạ Long bị quật đổ, gãy hoặc bật gốc. Tại các khu nhà điều hành, trần thạch cao, kính, bảng biển bị rơi, đổ do gió lớn.
Đại diện Sun World Hạ Long cho biết đơn vị này đang gấp rút, nỗ lực đưa công viên sớm hoạt động trở lại. Tương tự, hệ thống cáp treo Sun World Cát Bà dừng từ ngày 6/9, hiện chưa thể hoạt động. Còn cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã sửa chữa cơ sở vật chất, gia cố thiết bị, sẵn sàng đón khách.
Anh Tú - Phương Dung - Minh Sơn