Nga triển khai UAV 'Tia chớp' truy tìm xe tăng, pháo binh Ukraine

19/09/2024
|
0 lượt xem
Quân Sự Thế Giới
Nga triển khai UAV 'Tia chớp' truy tìm xe tăng, pháo binh Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay công bố hình ảnh hoạt động chiến đấu của kíp máy bay không người lái (UAV) thuộc cánh quân Bắc, cho thấy các binh sĩ triển khai phi cơ Molniya-1 (Tia chớp - 1) để tìm kiếm và tập kích lực lượng Ukraine tại tỉnh Kursk.

Molniya-1 là UAV tự sát cánh bằng, nhưng ứng dụng hệ thống điều khiển của thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV). Nó có thể tập kích mục tiêu trong bán kính 30 km, xa hơn nhiều so với drone FPV thông thường, và mang được đầu đạn uy lực hơn.

    Nga triển khai UAV 'Tia chớp' truy tìm xe tăng, pháo binh Ukraine

Lính Nga triển khai UAV Molniya-1 trong video công bố hôm nay. Video: BQP Nga

Truyền hình quân đội Nga nói rằng phần mềm điều khiển UAV cũng ứng dụng công nghệ AI, cho phép nó đối phó với các biện pháp gây nhiễu của đối phương.

"Mục tiêu chính của tôi là các điểm tập kết binh lực, hệ thống tác chiến điện tử, pháo tự hành và xe tăng đối phương. Phi cơ cũng có thể truy đuổi và đánh trúng mục tiêu đang di chuyển", binh sĩ có hô hiệu "Osha" nói.

Molniya-1 có thiết kế đơn giản, dễ chế tạo và chi phí rẻ. Tuy nhiên, phi cơ cánh bằng đòi hỏi kiến thức khí động học và kỹ năng điều khiển khác biệt so với drone FPV thông thường, trong khi cơ chế cất cánh bằng bệ phóng khí nén cũng khiến kíp vận hành dễ bị đối phương phát hiện hơn.

UAV tự sát được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.

Loại vũ khí này có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine. UAV tự sát còn được gọi là "đạn tuần kích", do chúng có khả năng quần thảo trong thời gian dài trên bầu trời và chỉ lao xuống tấn công khi xác định được mục tiêu cụ thể.

Cả Nga và Ukraine đều tham gia cuộc chạy đua phát triển drone, điều chỉnh hệ thống để vô hiệu hóa phương án chống đỡ của đối phương, thậm chí sao chép của nhau để giành lợi thế hoặc duy trì thế cân bằng.

Vũ Anh (Theo Zvezda, AP)

Tin liên quan
Tin Nổi bật