Tôi không giàu, nhưng tôi có một số tài sản do ông bà để lại ở quê, và một căn nhà nhỏ ở ngoại thành TP HCM. Tuy nhiên, tôi không dùng tiền để đầu tư vào bất động sản, mà mua xe ôtô, xe tải phục vụ cho công việc chở hàng.
Nếu có sinh lợi, tôi sẽ mở rộng kinh doanh, còn khi lợi nhuận ít, tôi vẫn trả đủ các chi phí cho kinh doanh. Kinh doanh, sản xuất và dịch vụ, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều góp phần đóng thuế cho nhà nước, thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm cho lao động.
Trong suốt 8 năm qua, chúng tôi đã đầu tư kinh doanh, đóng góp nhiều nguồn thuế, trả lương và kích cầu cho các doanh nghiệp sản xuất, góp phần tăng nguồn thuế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Thế nhưng, những người như chúng tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng và chán nản trước việc giá đất tăng. Nhiều người nói chúng tôi ngu muội, không có đầu óc vì không biết tích lũy hay đầu tư vào bất động sản.
Nhưng họ không hiểu rằng chúng tôi kinh doanh và sản xuất với tất cả tâm huyết, lợi nhuận chỉ tăng 15-20% sau khi trừ chi phí, thậm chí có lúc còn lỗ. Trong khi đó, những người cơ hội chỉ cần ngồi không, nhờ thời cơ may mắn, có thể hưởng lợi tới 100-200%, thậm chí "một bước lên tiên". Nếu không có những người kinh doanh sản xuất như chúng tôi, thì sẽ phát triển thế nào?
Một nền kinh tế vững mạnh phải dựa trên sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị vật chất, lưu thông hàng hóa và việc làm cho xã hội. Trong khi đó, nhiều người suốt ngày chỉ trông chờ vào đất, khi gặp thời thì cho rằng mình giỏi, nhưng khi bất động sản khó khăn do kinh tế gặp trục trặc, họ lại dùng đủ chiêu trò để thổi giá, từ đấu giá đến chiêu trò rao bán.
Xin lỗi, một người kinh doanh chân chính, có đạo đức sẽ không chạy theo thời thế để kiếm chác, đầy túi tham cho bản thân mà quên đi các giá trị cốt lõi của xã hội.
Kinh doanh hàng tiêu dùng của tôi trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục người lao động. Nếu có ai hỏi tôi chọn lợi nhuận từ bất động sản gấp ba lần so với hiện tại, thì xin lỗi, tôi cũng không ham.
Tôi không phủ nhận rằng không phải ai trong lĩnh vực bất động sản cũng biến tướng, nhưng nhiều người chạy theo lợi nhuận mà quên mất quy luật cung cầu và giá trị lao động sản xuất, kinh doanh. Làm gì thì làm, tiền lao động chân chính từ sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thương mại và dịch vụ mới là cốt lõi.
Độc giả nickname lqthcm chia sẻ câu chuyện và quan điểm như trên, xung quanh việc nhiều người đầu cơ đất, góp phần làm giá tăng cao.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp