Iran ngày 1/10 tập kích tên lửa ồ ạt vào Israel để phản ứng trước loạt cuộc tấn công gần đây của Tel Aviv nhằm vào các lãnh đạo cấp cao Hezbollah, Hamas và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran đã "phạm sai lầm nghiêm trọng" và sẽ phải "trả giá", làm dấy lên nguy cơ các bên có thể bị kéo vào một cuộc xung đột toàn diện.
Sau cuộc tập kích, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho hay đã thông qua đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran để cảnh báo Mỹ không can dự vào xung đột Trung Đông. Ngoại trưởng Iran khẳng định chiến dịch tấn công Israel đã kết thúc và "chúng tôi không có ý định tiếp tục", nhưng nhấn mạnh Iran sẽ có hành động quyết liệt hơn nếu Israel quyết định trả đũa.
Nếu Israel có hành động đáp trả như tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu và Iran tiếp tục phản ứng leo thang, khu vực Trung Đông sẽ đối mặt với lò lửa chiến tranh có thể đẩy hàng triệu người vào thảm cảnh.
Nhiều người hy vọng bằng cách nào đó, đà leo thang xung đột sẽ bị chặn đứng. Nhưng rủi ro hiện vẫn rất lớn và nếu Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông, mọi trách nhiệm có thể sẽ bị quy cho Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 1/10. Ảnh: AFP
Theo Trita Parsi, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch điều hành Viện Quincy về Chính sách Nhà nước Có trách nhiệm, trụ sở tại Washington, Nhà Trắng đã nhiều lần chọn cách giữ Mỹ đứng trên bờ vực xung đột, thay vì kiềm chế Israel tăng cường các hành động quân sự với loạt đối thủ trong khu vực, trong đó có kình địch Iran.
Parsi cho rằng chính quyền Biden đã góp phần tạo ra tình cảnh như hiện nay, khi tiếp tục cung cấp cho Israel vũ khí, hỗ trợ ngoại giao và nguồn lực để Tel Aviv theo đuổi hành động leo thang với Tehran và các nhóm vũ trang trong khu vực như Hamas, Hezbollah, Houthi, điều mà Washington tuyên bố không muốn xảy ra.
Chiến lược của Mỹ là tìm cách ngăn chặn Iran và các lực lượng đồng minh trả đũa Israel, trong khi hầu như không làm gì để ngăn cản Tel Aviv leo thang ngay từ đầu. Cách tiếp cận mất cân bằng này thực tế là công thức cho căng thẳng gia tăng, khi Mỹ không có ý định gây áp lực lên Israel, Parsi giải thích.
Giờ đây, trước cuộc tập kích tên lửa của Iran, Mỹ chắc chắn sẽ phải hành động nhằm duy trì an ninh ở Trung Đông. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Tổng thống Biden hiện đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi ông bị mắc kẹt giữa lời hứa chấm dứt xung đột ở Gaza với việc tiếp tục ủng hộ Tel Aviv trên một mặt trận khác đang nóng lên từng ngày.
Tuần trước, khi Mỹ thất bại trong nỗ lực đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, Ngoại trưởng Antony Blinken đã cảnh báo rằng nguy cơ leo thang trong khu vực là rất lớn và ngoại giao là con đường duy nhất để giảm căng thẳng.
Blinken khẳng định một nỗ lực phối hợp quốc tế là rất quan trọng "để tránh một cuộc xung đột toàn diện". Nhưng kể từ đó, Israel đã tận dụng lợi thế tình báo của mình để hạ sát hầu hết chỉ huy Hezbollah và còn mở chiến dịch trên bộ tại Lebanon.
Chính quyền Biden hiện phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng triển vọng ngừng bắn giữa Israel với Hamas ở Gaza và lệnh ngừng bắn giữa Israel với Hezbollah ở Lebanon có vẻ không thực tế, nếu không muốn nói là ngoài tầm với, khi các sự kiện vượt ra khỏi tính toán trước đó của Washington.
Hai cựu quan chức chính quyền Biden cho hay trước chiến dịch tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah, Washington đã hạ thấp kỳ vọng và chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất ở Trung Đông: Tránh leo thang căng thẳng với Iran. Nhưng mục tiêu đó càng trở nên xa vời sau đòn tập kích tên lửa của Tehran.
"Trong bối cảnh khu vực đang nóng hơn bao giờ hết và khả năng Israel sẽ đáp trả Iran, điều chắc chắn dẫn đến một số nỗ lực trả đũa tiếp nối từ Tehran, chúng ta sẽ đối mặt với quãng thời gian rất khó khăn ở phía trước", Suzanne Maloney, chuyên gia từ Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, Mỹ, nhận xét.
Iran từng tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào Israel hồi tháng 4 bằng loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Israel sau đó phóng tên lửa trả đũa, đánh trúng hệ thống radar gần nơi Iran đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đòn đáp trả này gần như chỉ mang tính biểu tượng và không kích hoạt phản ứng tiếp theo của Iran, giúp khu vực thoát khỏi nguy cơ xung đột lớn.
Nhưng theo Jonathan Schanzer, phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, trụ sở tại Washington, lần này Israel có thể sẽ không đáp trả Iran bằng biện pháp "giơ cao đánh khẽ" như trước.
"Họ sẽ phải tăng áp lực trước khi hạ nhiệt", ông nói.
Khoảnh khắc Iran phóng loạt tên lửa đạn đạo về hướng IsraelPhòng không Israel đánh chặn tên lửa đạn đạo Iran ngày 1/10. Video: Reuters
Khi cả đôi bên đều giữ thái độ cứng rắn và ở vào tình thế buộc phải đáp trả đối phương, Schanzer cho rằng cơ hội hiện thực hóa mong muốn của chính quyền Biden, đưa xung đột đến hồi kết bằng giải pháp ngoại giao, là rất thấp.
Nếu Tổng thống Biden cho phép Israel leo thang hơn nữa, điều này rất có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran, gây mất ổn định trong khu vực. Rất khó định lượng hậu quả đối với an ninh quốc gia Mỹ từ một cuộc xung đột như vậy, nhưng nó sẽ khiến nhiều người liên tưởng tới những hệ lụy từ chủ nghĩa "phiêu lưu quân sự" mà chính quyền George W. Bush theo đuổi ở Trung Đông trước đây, chuyên gia Parsi từ Viện Quincy đánh giá.
Theo Parsi, nếu quân nhân Mỹ bị đẩy vào làn đạn trong cuộc xung đột đang lan rộng giữa Iran và Israel, đó sẽ là hậu quả trực tiếp và nguy hiểm nhất của việc Washington đã không gây sức ép đủ mạnh với Tel Aviv để theo đuổi lợi ích an ninh cốt lõi nhất đối với họ ở Trung Đông là tránh xung đột toàn diện.
Tổng thống Biden nhậm chức với lời hứa sẽ chấm dứt kỷ nguyên xung đột kéo dài cùng những nỗ lực tốn kém nhằm thay đổi cục diện ở Trung Đông. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy cam kết đó ngày càng trở nên xa vời.
Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, lưu ý cách duy nhất để giải quyết vấn đề là Mỹ, quốc gia duy nhất có ảnh hưởng tới Israel, phải kiềm chế Tel Aviv.
Theo bình luận viên Gideon Rachman từ Financial Times, chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu đến nay cho thấy họ sẵn sàng phớt lờ mong muốn của đồng minh thân cận nhất. Thực tế này bắt nguồn từ một nghịch lý trong chính sách Mỹ.
"Chính quyền Biden có thể và thực sự đã thúc giục Israel kiềm chế ở Gaza và Lebanon. Nhưng họ cũng sẽ luôn bảo vệ Israel khỏi hậu quả của bất kỳ hành vi leo thang nào, dựa trên cam kết bao trùm là bảo vệ Israel khỏi Iran và các kẻ thù khác trong khu vực", Rachman nói. "Israel từ đó hình thành nhận thức rằng việc thách thức chính quyền Biden gần như không có rủi ro, thậm chí có thể đem lại một số lợi ích nếu họ lôi kéo được Mỹ triển khai sức mạnh quân sự chống Iran".
Vị trí Iran và Israel. Đồ họa: BBC
Khả năng Washington từ chối ủng hộ Tel Aviv trong một cuộc khủng hoảng càng giảm đi khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, Rachman cho hay.
Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, ngụ ý sẽ áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Thủ tướng Netanyahu về vấn đề Gaza. Nhưng bà cũng muốn tỏ ra kiên định và hoàn toàn ủng hộ Israel vào thời điểm nguy hiểm. Mặt khác, bà cũng không thể mạo hiểm tỏ ra mềm mỏng với Iran, quốc gia mà Mỹ có lịch sử đối địch lâu dài.
Tình hình hiện tại ở Trung Đông còn có thể là tin xấu đối với bà Harris, khi nó tạo cớ cho cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, tuyên bố rằng thế giới đã rất hòa bình trong nhiệm kỳ của ông nhưng trở nên bất ổn khi Tổng thống Biden dẫn dắt đất nước, Rachman đánh giá.
"Mỗi lần bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, người ta lại đồn đoán về một 'bất ngờ tháng 10' có thể xuất hiện, làm đảo lộn cuộc đua khi chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu. Israel và Iran có thể vừa mang đến bất ngờ đó trong cuộc bầu cử năm nay", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo NBC News, CBC, PBS, TIME)